Tháp Bà Ponagar là một trong những di tích văn hóa, lịch sử quan trọng tại Nha Trang. Tháp thu hút du khách bởi lối kiến trúc Chăm Pa, và mang trong mình giá trị tâm linh sâu sắc. Nếu bạn đang tìm kiếm một điểm đến vừa có thể khám phá lịch sử, chiêm ngưỡng nghệ thuật kiến trúc, vừa tận hưởng không gian thanh tịnh, thì Tháp Bà Ponagar chính là lựa chọn lý tưởng. Hãy cùng Evertrip tìm hiểu về lịch sử, kiến trúc và những điều thú vị xoay quanh địa danh nổi tiếng này nhé!

Giới thiệu về Tháp Bà Ponagar

  • Giá vé tháp bà Ponagar: 22.000đ/khách/lượt
  • Giờ mở cửa: 8h00 – 18h00

Tháp Bà Ponagar nằm cách trung tâm thành phố Nha Trang khoảng 2 km về phía Bắc, thuộc phường Vĩnh Phước, tỉnh Khánh Hòa. Tháp tọa lạc trên ngọn đồi nhỏ, cao khoảng 10 – 12 mét so với mực nước biển, ngay bên cửa sông Cái. 

Tháp được xây dựng từ thế kỷ VIII đến thế kỷ XIII, trong thời kỳ đạo Hindu (Ấn Độ giáo) hưng thịnh tại vương quốc Chăm Pa cổ. Tháp Bà Ponagar còn được gọi với nhiều tên khác như Yang Po Inư Nagar, Yang Pô Ana Gar, hay theo cách gọi của người Việt là Thiên Y Thánh Mẫu Ana. Tên “Tháp Bà Ponagar” thực chất dùng để chỉ cả quần thể di tích, nhưng thực tế đây là tên của ngọn tháp lớn nhất trong quần thể với chiều cao khoảng 23 mét.

Ngôi đền được xây dựng để thờ nữ thần Po Inư Nagar – vị thần mẹ tạo ra Trái Đất, mang lại sự phồn thịnh cho đất đai, cây cối và con người.

Ngày nay, Tháp Bà Ponagar không chỉ là một di tích lịch sử, văn hóa quan trọng mà còn là điểm tham quan nổi tiếng thu hút du khách từ khắp nơi đến chiêm ngưỡng kiến trúc độc đáo, khám phá những giá trị văn hóa lâu đời và trải nghiệm không gian tâm linh linh thiêng.

tháp bà nha trang
Tháp bà Ponagar được xây dựng từ thế kỷ VIII đến thế kỷ XIII mang kiến trúc Chăm Pa cổ

Truyền thuyết về Tháp Bà Ponagar

Có rất nhiều câu chuyện huyền thoại ly kỳ về nữ thần Thiên Y A Na. Truyền thuyết về bà được lưu truyền qua nhiều thế hệ, phản ánh đức tin, lòng tôn kính của người dân đối với vị nữ thần đã mang lại sự phồn thịnh và ấm no cho vùng đất này.

Thiên Y A Na – Từ tiên nữ hóa thân thành nữ thần

Tương truyền Thiên Y A Na không phải là người bình thường mà là một tiên nữ giáng trần. Một câu chuyện phổ biến kể rằng: Ngày xưa, tại núi Đại An (nay thuộc Khánh Hòa), có một cặp vợ chồng nghèo làm nghề trồng dưa nhưng không có con cái. Một ngày nọ, họ bắt gặp một cô gái xinh đẹp đang vui đùa dưới ánh trăng và quyết định nhận nàng làm con nuôi. Tuy nhiên, do sự khác biệt với thế gian, nàng cảm thấy lạc lõng, đặc biệt sau khi bị cha nuôi trách mắng. Cuối cùng, nàng hóa thân vào một khúc kỳ nam và trôi theo dòng nước đến vùng đất Trung Hoa.

Mùi hương kỳ nam lan tỏa khiến dân chúng hiếu kỳ nhưng không ai có thể nhấc khúc gỗ lên trừ thái tử Bắc Hải. Khi mang khúc gỗ về cung, thái tử phát hiện bên trong có một tiên nữ tuyệt sắc là Thiên Y A Na. Hai người kết duyên, sinh ra hai người con và sống hạnh phúc trong hoàng cung. Nhưng dù được sủng ái bà vẫn nhớ về quê hương, nên một ngày nọ bà cùng hai con lại hóa thân vào khúc kỳ nam và trôi về Đại An.

Tại đây, bà dạy dân chúng cày cấy, dệt vải, mở rộng ruộng nương, giúp cuộc sống ngày càng ấm no. Sau đó, vào một ngày đẹp trời, bà cùng hai con cưỡi hạc bay về trời để lại niềm thương nhớ trong lòng dân chúng.

tháp chàm nha trang
Truyền thuyết về Thiên Y A Na – Từ tiên nữ hóa thân thành nữ thần

Thiên Y A Na và truyền thuyết về trầm hương

Người dân Khánh Hòa tin rằng trầm hương chính là món quà mà Thiên Y A Na ban tặng. Tương truyền, bà đã đặt bốn cây trầm hương ở bốn phương để bảo vệ và mang lại sự phồn thịnh cho Khánh Hòa. Những ai có duyên với bà mới có thể tìm thấy trầm hương hoặc kỳ nam (loại gỗ quý hiếm hơn cả trầm hương). Điều này lý giải vì sao Khánh Hòa được xem là “thủ phủ” của trầm hương Việt Nam.

Thiên Y A Na trong tín ngưỡng Chăm Pa và Việt Nam

Trong văn hóa Chăm, Thiên Y A Na có tên là Po Inư Nagar, nữ thần tạo hóa có quyền năng bảo hộ đất đai và con người. Khi người Việt đến vùng đất Kauthara (tên cũ của Nha Trang), họ cũng tiếp nhận tín ngưỡng này nhưng gọi bà là Thiên Y Thánh Mẫu. Hằng năm vào ngày lễ hội Tháp Bà Ponagar, người dân tổ chức nghi lễ long trọng, dâng hương, múa bóng để tưởng nhớ công lao của bà.

Dù lịch sử đã thay đổi, nhưng niềm tin vào Thiên Y A Na vẫn được giữ gìn qua nhiều thế hệ. Không chỉ là một truyền thuyết, câu chuyện về bà còn thể hiện sự tôn vinh đối với thiên nhiên, đất mẹ và những giá trị văn hóa lâu đời của vùng đất Nha Trang – Khánh Hòa.

Khám phá kiến trúc của Tháp Bà Ponagar

Dù trải qua nhiều biến động lịch sử, nhưng tháp Bà vẫn giữ được nét độc đáo trong kiến trúc. Quần thể kiến trúc Tháp Bà Ponagar gồm bốn khu vực chính: Khu tháp cổng, khu tiền đình (Mandapa), khu đền tháp, và khu bia ký.

Khu tháp cổng

Khu tháp cổng là nơi đầu tiên du khách bước vào khi đến Tháp Bà Ponagar. Trước đây, khu vực này bao gồm một tháp cổng hoành tráng, nhưng do thời gian và chiến tranh, tháp đã bị hư hại, hiện chỉ còn lại nền móng và một số dấu tích của các bậc thang dẫn lên khu tiền đình.

tháp bà ponagar nha trang
Tháp Bà Ponagar gồm bốn khu vực chính: Khu tháp cổng, khu tiền đình (Mandapa), khu đền tháp, và khu bia ký

Khu tiền đình

Khu tiền đình là nơi diễn ra các nghi lễ trước khi vào khu đền tháp chính. Kiến trúc Mandapa bao gồm bốn hàng cột lớn được xây bằng gạch nung, với 12 cột nhỏ hình bát giác ở bên ngoài và 10 cột lớn ở bên trong. Theo các nhà nghiên cứu, Mandapa có thể từng có mái che và là nơi chuẩn bị lễ vật trước khi dâng lên nữ thần Thiên Y A Na.

Khu đền tháp

Khu đền tháp bao gồm 4 tháp chính, trong đó tháp lớn nhất cao 23m, được xây dựng vào khoảng thế kỷ VIII đến XIII. Kiến trúc tháp được thiết kế với hình vuông ở chân, thu nhỏ dần để tạo thành hình chóp nhôn về trên. Mỗi tháp đều có bốn cửa hướng đến bốn phương, nhưng chỉ cửa đông được mở cho khách hành hương. Bên trong tháp chính là điện thờ nữ thần Ponagar, tượng trên bàn thờ thể hiện Uma, vể đẹp và quyền năng của bà được tôn kính qua nhiều thế kỷ.

tháp chàm ponagar
Bên trong tháp chính là điện thờ nữ thần Ponagar

Khu bìa ký

Bia ký tại Tháp Bà Ponagar là những tài liệu vô giá về lịch sử và văn hóa Chăm Pa. Hiện nay, khu bia ký bao gồm 28 bia chứa chữ Sanskrit và Chăm cổ, ghi chép quá trình xây dựng, các nghi lễ dâng lẽ đối với nữ thần Thiên Y A Na. Trong đó, bia do quan đại thần Phan Thanh Giãn dựng năm 1856 ghi chép truyền thuyết về nữ thần bằng chữ Hán – Nôm, giúp kết nối tín ngưỡng Chăm và Việt.

>> Có thể bạn sẽ thích:

tour city nha trang

Tour tham quan thành phố Nha Trang

550.000 VND

  • Tham quan các địa điểm văn hóa lịch sử tại Nha Trang: Tháp Bà Ponagar, Nhà thờ Đá, Chùa Long Sơn, Viện hải dương học
  • Thưởng thức bữa trưa ngon tuyệt cùng đặc sản phương chính gốc
  • Thư giãn và làm đẹp tại Khu tắm bùn khoáng nóng I-resort
  • Di chuyển xe ô tô an toàn, hiện đại
  • Đưa đón tận nơi tại khách sạn.

Lễ hội Tháp Bà Ponagar

Lễ hội Tháp Bà Ponagar là một trong những lễ hội quan trọng nhất của người Chăm và cư dân Khánh Hòa, diễn ra từ ngày 20 đến 23 tháng 3 âm lịch hàng năm. Lễ hội Tháp Bà Ponagar mang đậm màu sắc tín ngưỡng dân gian, phản ánh sự giao thoa giữa văn hóa Chăm Pa và người Việt. Người dân đến đây dâng hương, dâng hoa, cầu mong cuộc sống ấm no, hạnh phúc và mưa thuận gió hòa. Đây là dịp để bày tỏ lòng thành kính với nữ thần Thiên Y A Na và là một sự kiện văn hóa đặc sắc, thu hút đông đảo du khách thập phương.

Một trong những phần đặc sắc nhất của lễ hội là điệu múa bóng. Các cô gái Chăm trong trang phục truyền thống, đầu đội lễ vật, nhẹ nhàng uốn lượn theo nhịp trống và tiếng nhạc cung kính dâng lên nữ thần. Điệu múa chỉ được thực hiện vào những dịp lễ quan trọng, thể hiện lòng thành kính đối với Thiên Y A Na.

tháp bà ponagar ở đâu
Lễ hội Tháp Bà Ponagar mang đậm màu sắc tín ngưỡng Chăm Pa

Ngoài ra, lễ hội còn diễn ra long trọng với nhiều nghi thức truyền thống:

  • Lễ thay y (ngày 20/3 âm lịch, 12h trưa): Nghi thức thay áo mới cho tượng thờ nữ thần.
  • Lễ thả hoa đăng (tối 20/3, 19h – 21h): Người dân thả hoa đăng trên sông để cầu bình an.
  • Lễ cầu quốc thái dân an (sáng 21/3, 6h – 8h): Cầu mong đất nước thái bình, nhân dân an lạc.
  • Lễ cúng ngọ, cúng thí thực (12h – 12h30 ngày 21/3): Lễ dâng cúng thức ăn cho thần linh và cô hồn.
  • Tế lễ cổ truyền (sáng 23/3, 6h – 8h): Lễ tế trang trọng theo nghi thức truyền thống.
  • Lễ Tôn Vương, lễ Khai Diên (sáng 23/3, 6h – 9h): Lễ rước sắc phong và khai hội chính thức.
  • Lễ Dâng Hương tạ mẫu (đêm 23/3, 23h – 24h): Kết thúc lễ hội bằng nghi thức tạ ơn nữ thần.
sự tích tháp bà ponagar
Lễ hội Tháp Bà Ponagar diễn ra từ ngày 20 đến 23 tháng 3 âm lịch hàng năm

Tháp Bà Ponagar không chỉ là một công trình kiến trúc ấn tượng mà còn là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa, lịch sử quan trọng của vương quốc Chăm Pa xưa. Đến đây, du khách sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính và có cơ hội hòa mình vào không gian linh thiêng, khám phá những câu chuyện lịch sử đầy thú vị. Nếu có dịp ghé thăm Nha Trang, đừng quên dành thời gian để khám phá di tích đặc biệt này và tận hưởng những trải nghiệm khó quên!

Thông tin tác giả

Khánh Touristguide

Khánh Touristguide là một hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp với hơn 6 năm kinh nghiệm tại Nha Trang. Là người con của Nha Trang, ngoài tình yêu và sự gắn bó đặc biệt với Nha Trang, Khánh còn có kiến thức sâu rộng về văn hóa, lịch sử và địa điểm du lịch của thành phố biển xinh đẹp này.